Cách phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa
Bệnh đạo ôn là bệnh quan trọng gây hại ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa từ giai đoạn mạ – đẻ nhánh – trổ – chín và trên các bộ phận của cây như lá, cổ lá, đốt thân, cổ bông, hạt . Tuỳ theo bộ phân bị hại mà người ta gọi là bệnh đạo ôn lá (cháy lá), đạo ôn cổ lá hay đạo ôn cổ bông… Bệnh đạo ôn có thể xảy ra quanh năm và thường gây hại nặng vào vụ Đông Xuân, những diện tích bị bệnh nặng có thể làm thất thu năng suất.
1. Triệu chứng:
- Trên lá: Bệnh gây hại chủ yếu giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi (mắt én) đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám trắng. Trên các giống nhiễm đốm bệnh rất to, ngược lại giống kháng thì vết bệnh chỉ cở bằng đầu kim. Bệnh nặng, các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô.
- Trên cổ lá, thân và cổ bông: triệu chứng ban đầu cũng có màu xám xanh sau chuyển sang nâu, do nấm tấn công vào mạch dẫn gây cản trở việc vận chuyển các chất dinh dưởng nuôi lá, thân và hạt làm cho lá, thân dễ gãy, hạt bị lép , lửng.
- Trên hạt : bệnh xảy ra vào giai đoạn trổ, vết bệnh trên hạt cũng có dạng mắt én, viền nâu, tâm xám trắng. Nếu bệnh tấn công sớm sẽ làm hạt bị lép, lửng.
2. Tác nhân gây hại:
Do nấm Pyricularia oryzae hay P. grisea gây ra. Bào tử nấm rất nhỏ, có thể bay cao và bay xa nên bệnh rất dễ lây lan nhanh trên diện rộng. Nhiệm vụ của bào tử này là hút các chất dinh dưỡng có trong cây lúa và ngoài ra còn tiết ra độc tố Pyricularin gây độc cho cây . Bào tử nấm Pyricularia oryzae hay P. grisea phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ mát từ 24 – 28 độ C, ẩm độ cao trên 80%, Trường hợp trong điều kiện khí hậu mát mẻ, sáng nắng, chiều mưa xen kẻ, trời có nhiều sương mù rất thích hơp cho bệnh xảy ra. Nấm bệnh thường lưu tồn trên ruộng, trong các gốc lúa và trong các loại cỏ dại mọc ven ruộng như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ chỉ, lúa chét…
3. Các yếu tố làm bệnh tồn tại và phát triển:
- Thời tiết : ẩm độ không khí cao, mưa nắng xen kẻ, sáng sớm và chiều tối có sương mù rất thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại.
- Nước : Tình trạng khô hạn gây thiếu nước trên ruộng khiến cây sinh trưởng kém, mất khả năng chống chọi nên bệnh xảy ra nặng.
- Giống : sử dụng giống dễ nhiễm bệnh đạo ôn
- Mật độ gieo sạ : gieo sạ càng dầy, tán lúa càng rậm, ẩm độ trên ruộng càng cao, bệnh càng dễ xảy ra.
- Bón phân : Bón không cân đối giữa N-P-K, bón thừa đạm, bón đạm muộn, phun phân bón lá có đạm nhất là giai đoạn đòng trổ … tạo điều kiện cho bệnh phát triển nặng hơn.
- Nguồn bệnh : nấm bệnh lưu tồn trong rơm rạ, cỏ dại, hạt giống… là nguồn bệnh lây lan qua vụ sau.
4. Các giai đoạn cần lưu ý bệnh đạo ôn :
- Giai đoạn mạ: thường phát sinh trên các giống nhiễm, làm cây suy yếu ảnh hưởng năng suất về sau.
- Giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng.
- Giai đoạn trước và sau trổ.
Để hạn chế bệnh phát sinh phát triển gây hại , bà con thường xuyên thăm dồng, nhất là vào các giai đoạn cần lưu ý (quan sát kỹ từng bụi lúa, đặc biệt những nơi lúa tốt, rậm rạp nằm giữa ruộng hoặc gần bờ bao, cống bộng dẫn nước) để phòng trị kịp thời.
5. Phòng trị :
Áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trị bệnh như :
- Sử dụng giống kháng bệnh hay kháng vừa. Có thể kết hợp để chọn giống có tính kháng bệnh đạo ôn và tính kháng rầy phù hợp với điều kiện địa phương, cho năng suất cao và phẩm chất tốt.
- Chọn hạt giống sạch bệnh, sạch cỏ và xử lý giống trước khi gieo sạ.
- Gieo sạ với mật số vừa phải , không gieo sạ dày . Lượng giống gieo sạ trung bình khoảng 80 – 120 kg/ha (tuỳ địa phương)
- Bón phân cân đối N-P-K. Lượng đạm bón vừa đủ từ 80 – 100 kg /ha (lưu ý nên bón đạm theo nhu cầu chứ không bón quá nhiều hay bón muộn,.,có thể dùng bảng so màu lá lúa để bón) Khi bệnh xảy ra ngưng bón đạm hay phun phân bón lá có đạm.
- Sau thu hoạch nên cày vùi rơm rạ để trả lại chất hữu cơ cho đất.
- Vệ sinh đồng ruộng, diệt lúa rày, lúa chét, làm sạch cỏ bờ… hạn chế mầm bệnh lưu tồn và lây lan sau này.
- Giữ mức nước trên ruộng phù hợp với từng nhu cầu sinh trường của lúa, tránh để ruộng khô khi bệnh xảy ra.