Công ty cổ phần đầu tư thương mại Đại Dương

Vietnamese Chinese (Simplified) English

Bệnh vàng lá lúa, nguyên nhân và cách phòng trừ
Vụ mùa năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, có nhiều trận mưa cường độ lớn tập trung vào cuối vụ làm cho nhiều diện tích lúa bị vàng lá, một bộ phận diện tích lá bị nỏ hàng loạt.
Nguyên nhân của bệnh vàng và nỏ lá lúa nhiều nhưng chủ yếu là hai loại bệnh chính gây ra:


1. Bệnh vàng lá do nghẹt rễ
1.1 Đặc điểm:
Khi bệnh mới phát sinh ngọn lá và mép lá vàng hoặc có màu đỏ, khi nhổ cây lúa lên rễ có màu vàng, rất ít rễ trắng. Khi bệnh nặng các đầu lá táp khô cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít, nhổ cây lúa lên dễ dàng (có cây nhổ lên bị tụt gốc, trụi rễ) rễ lúa có màu đen, mùi tanh, không có rễ trắng.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh:
Chủ yếu là do biện pháp canh tác, ruộng vừa thu hoạch lúa xuân chuyển ngay sang cấy lúa mùa. Quá trình làm đất gấp gáp gốc rạ chưa được phân huỷ, một số ruộng nông dân bón phân tươi chưa hoai mục.
- Ruộng chua úng trũng không được thoát nước, không được bón vôi rửa chua cải tạo đất.
- Nông dân bón phân không cân đối, thường bón thừa đạm thiếu lân, kali và nguyên tố trung và vi lượng như: Ca, Mg, S, Bo, Mn, Cu...
- Trong đất thiếu oxy, có nhiều độc tố như khí Mêtan (CH4), khí Sunfuahydro (H2S). Một số đất chua tồn tại ion: Fe+2, Al+3...
Những nguyên nhân trên làm cho cây lúa phát sinh rất nhiều bệnh nhưng bệnh chủ yếu là gây nhiễm độc rễ. Rễ không phát triển, không hút được nước và dinh dưỡng nuôi cây làm cho lá lúa vàng dần, nỏ đi mất khả năng quang hợp giảm năng suất nghiêm trọng.
1.3 Biện pháp phòng trừ:
Những chân ruộng chua lầy thụt, ngập nước thường xuyên trước khi làm đất cấy phải rắc 18 – 20 kg vôi bột/sào Bắc Bộ, cày lật đất sớm cho gốc rạ hoai mục, không bón phân hữu cơ chưa hoai. Phải bón phân cân đối, tốt nhất dùng phân NPK tổng hợp.
Nên cấy bằng mạ xúc, mạ nền, cấy nông tay, ruộng trũng phải làm cỏ sục bùn để tăng Oxy trong đất, kích thích cho bộ rễ phát triển.
- Khi cây lúa đã nhiễm bệnh, bị nghẹt rễ không có khả năng hút dinh dưỡng vì vậy không nên bón đạm hoặc phân NPK.
- Lúa chớm vị bệnh có thể dùng một số phân bón qua lá như: K–H.701/702, Atonic...để phun (cách phun theo hướng dẫn ở bao sản phẩm)
Sau khi phun thuốc 2 – 3 ngày tháo cạn nước ruộng, rắc 18 – 20 kg vôi bột kết hợp làm sục bùn sau đó tháo nước để khô ruộng 5 – 7 ngày lại cho nước vào 2 – 3 cm.
Nếu ruộng bị bệnh nặng phải phun thuốc lần 2.
2. Bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn
2.1 Đặc điểm:
Bệnh có thể phát sinh ngay từ mạ trên phiến lá. Nhưng bệnh phát triển mạnh nhất từ giai đoạn lúa đẻ nhánh đến giai đoạn trỗ bông và chắc xanh. Đây là lúc bệnh gây hại nặng nhất.
Vết bệnh lúc đầu có màu xanh đậm, đầu tiên xuất hiện ở đầu lá hoặc hai bên mép lá sau đó lan dần vào lá. Khi nắng lên vết bệnh héo đi, phiến lá bị khô trắng từng vệt từ đầu lá kéo dài dọc theo mép lá, rìa vết bệnh có hình gợn sóng. Khi bệnh nặng phiến lá bị khô trắng 60 – 70 % hoặc khô toàn bộ. Vào buổi sáng sớm hoặc trong điều kiện thời tiết ẩm, trên vết bệnh thường xuất hiện các giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục. Khi khô đi có màu vàng hoặc màu nâu hình cầu li ti. Nếu bệnh nặng vào giai đoạn làm đòng đến trỗ bông cây lúa sẽ bị ngẹn đòng, bông bạc, hạt lép nhiều giảm năng suất nghiêm trọng.
2.2 Nguyên nhân gây bệnh:
- Do vi khuẩn Xanthomonasoryzac xâm nhiễm vào lá lúa qua khí khổng và thuỷ khổng, qua vết dập rách của lá. Nguồn bệnh vi khuẩn bạc lá thường tồn tại trong đất, nước, hạt giống và cỏ dại thuộc họ hoà thảo.
- Bệnh đốm sọc và bệnh bạc lá bùng phát thành dịch trong điều kiện nhiệt độ cao 25 – 300C và ẩm độ 95 – 100%. Ở những chân ruộng trũng, hẩu chua, bón phân không cân đối. Thiếu lân và kali thừa đạm, bón đạm muộn, bón đạm lai rai. Vụ Mùa năm nay mưa nhiều, mưa tập trung vào cuối vụ với cường độ mạnh nên đã bổ sung đạm cho lá qua nước mưa. Cộng với hộ nông dân bón thừa đạm làm lá lúa mềm mỏng gặp mưa lớn lá lúa bị dập rách là điều kiện thuận lợi để bệnh đốm sọc vi khuẩn và bệnh bạc lá bùng phát thành dịch.
2.3 Biện pháp phòng trừ:
- Trước hết là phải bón phân cân đối ( không bón thừa đạm), không bón đạm muộn.
- Thường xuyên thăm đồng ruộng theo dõi phát hiện bệnh sớm, khi phát hiện thấy triệu chứng bệnh cần giữ nước ruộng 3 – 5 cm, dừng bón tất cả các loại phân hoá học, phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Khi lúa chưa trỗ có thể dùng 5 – 7kg vôi bột vãi cho 1 sào Bắc Bộ.